Enneagram là gì
Mục lục
Enneagram là gì
ENNEAGRAM là một hệ thống cổ xưa, vô cùng uyên thâm, sâu sắc mô tả chín khía cạnh khác nhau của tính cách con người. Nó cũng là hệ thống thực hành phát triển trí tuệ xúc cảm (emotional intelligence) hoàn thiện nhất hiện tại, thích hợp cho từng cá nhân có khả năng “nhìn vào bên trong” liên hệ trực tiếp đến đời sống tinh thần của chính mình.
Không là một tôn giáo, nhưng ENNEAGRAM lại tóm lược và thống nhất các nguyên lý khác nhau mà chúng ta thường thấy trong hầu hết các hệ thống niềm tin (tôn giáo) chủ đạo. Đơn giản, chính xác và sâu sắc, ENNEAGRAM nối kết, giải thích và đặt các yếu tố đa dạng của các tính cách vào trong một bối cảnh rõ ràng, hay trong cách con người tương tác lẫn nhau.
ENNEAGRAM mô tả chín dạng tính cách con người, không dạng tính cách nào là tốt hay xấu, mỗi tính cách phản ứng với thế giới khách quan theo cảm nhận và suy xét riêng của mình. Thế gian này có khoảng 7 tỉ người, cho nên có thể gần tám trăm ngàn người giống loại tính cách nhau, nhưng mỗi chúng ta là độc nhất, và ENNEAGRAM cho phép chúng ta là như thế. Loại tính cách của chúng ta có thể được nhận diện, nhưng tính cách của mỗi cá nhân – đó là trải nghiệm, là hoài niệm, là ước mơ, là khác vọng, là những gì chúng ta tương tác với chúng – thì lại là của riêng mỗi người. Hãy nhớ, chúng ta là độc nhất vô nhị.
Dù bạn mới chập chững hay là một người đã dành hàng ngày để chiêm nghiệm về bản thân, ENNEAGRAM vẫn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của những ai đang truy tìm con đường phát triển nội tâm và tinh thần, hoặc những ai đang tìm kiếm những nhịp cầu, cố hiểu để kết nối mọi người gần nhau hơn (nghệ thuật giao tiếp).
Bất luận bạn là ai, dù ở mức độ nào của cuộc hành trình, ENNEAGRAM vẫn có thể giúp bạn:
- Thấu hiểu mình là ai, năng lực cá nhân, và cách thức đạt được tài năng đó.
- Phát triển bản thân từ bất cứ mức độ nào đến mức độ mình muốn.
- Thúc đẩy cuộc sống hàng ngày vui vẻ và sáng tạo hơn.
- Thấu cảm sâu sắc, đầy lòng trắc ẩn, và tạo ra nhiều mối quan hệ sáng tạo hơn, bằng cách thấy được bản thân qua cách người xung quanh thấy mình, và thấy người khác theo cách họ nhìn nhận họ hơn là qua lăng kính và niềm tin của bạn.
- Thấy rõ một thực tế là chúng ta không cần “chế ngự” tính cách của mình, mà sống cùng nó, hiểu nó và sử dụng nó để giúp bản thân phát triển.
- Hiểu làm thế nào tính cách của bạn là chìa khóa mở đến con đường tinh thần cá nhân, dù cho niềm tin tôn giáo của bạn là gì đi nữa.
Ứng dụng của ENNEAGRAM
Bởi vì ENNEAGRAM mang tính đa văn hóa, và chính xác cao với nhiều ứng dụng liên quan đến công viêc, nó đang được nhiều tổ chức vận dụng để giúp nhân viên và lãnh đạo của mình trong các lĩnh vực: giao tiếp, xử lý mâu thuẫn, phản hồi, làm việc nhóm, lãnh đạo, chiến lược, ra quyết định, làm chủ bản thân, huấn luyện, v.v… Về cơ bản, ENNEAGRAM giúp từng cá nhân phát triển sự tự nhận thức, tự thừa nhận và chịu trách nhiệm vệc về hành vi của mình, cũng như thay đổi mô thức từ người hay đỗ lỗi cho người khác hoặc các tình huống khách quan giải thích cho vấn đề hay khó khăn bản thân thành người chịu trách nhiệm về hệ quả trong hành động của mình. Điều này làm tăng năng lực nhân viên ở mọi mức độ để trở thành người chủ động trong mội hoàn cảnh hơn là đáp ứng thụ động.
Nguồn gốc của Enneagram
ENNEAGRAM liên quan đến chín điểm trên biểu tượng ENNEAGRAM. Chín loại ENNEAGRAM khác nhau, được xác định từ số 1 đến số 9, tương ứng với những thói quen đặc thù về tư duy, cảm xúc và hành vi, với mỗi loại nối kết với một lộ trình phát triển độc nhất. Mỗi chúng ta chỉ chiếm một nơi, hoặc 1 số, trong hệ thống ENNEAGRAM. Trong khi loại ENNEAGRAM không thay đổi xuyên suốt cuộc đời của mình, các đặc điểm của mỗi loại có thể mờ nhạt hoặc thâm sâu khi chúng ta lớn lên và phát triển. Thêm vào loại chính, chúng ta còn có bốn (4) loại tính cách hỗ trợ cho chất lượng của tính cách mình, được gọi là hai cánh và hai mũi tên.
Lịch sử lâu đời của ENNEAGRAM không được biết rõ, mặc dù hệ thống này được xem là lần đầu xuất hiện ở cả Châu Á và Trung Đông từ hàng ngàn năm về trước. Từ thời gian đó, nó đã phát triển ra nhiều vùng trên thế giới, và việc sử dụng ENNEAGRAM hiện đại ngày nay có sự ảnh hưởng rất lớn từ ba cá nhân. Hai triết gia bắt đầu làm việc với ENNEAGRAM ở hai lục địa khác nhau: G.I. Gurdjieff vào năm 1930 ở Châu Âu, và Oscar Ichazo từ thập niên 50 (thế kỷ 20) đến nay ở Nam Mỹ. Claudio Naranjo, chuyên gia tâm thần học sinh ra ở Chilê, được học ENNEAGRAM với Ichazo và đưa nó vô Hoa Kỳ vào thập niên 70 (TK20). ENNEAGRAM hiện thời được phát triển từ các công trình của ba cá nhân này và được mở rộng thêm bởi nhiều nhà giáo khác như: Helen Palmer, Don Riso, David Daniels, Russ Hudson, Theodorre Donson, Kathy Hurley, Tom Condon, và Jerry Wagner, Karan Webb…
ENNEAGRAM hoạt động như thế nào
Vòng tròn của sơ đồ là trung tâm của hệ thống ENNEAGRAM. Mỗi người sở hữu một tính cách căn bản và không thay đổi. Tuy nhiên, những đường thẳng nối các điểm chỉ ra cách chúng ta thay đổi từ cự độ khủng hoảng đến cực điểm an toàn, cũng như giúp chúng ta đoán được cách thức tương tác của các loại tính cách. Còn vòng tròn bên ngoài chỉ định những tính cách gần kề có ảnh hưởng đến hành vi của mỗi cá nhân. Mỗi tính cách cũng có ba hệ thống tính cách phụ.
Tất cả những thứ trên, cùng với môi trường sống hay tuổi thơ, và mức độ phát triển nhận thức cá nhân mà chúng ta sẽ có những hành vi thể hiện cụ thể cho từng cá nhân. Điều đó có nghĩa, hai người có thể cùng một tính cách trong ENNEAGRAM nhưng lại có thể có thể hiện tính cách khá khác biệt nhau.

Các loại tính cách cơ bản
Hiểu biết căn bản cho chúng ta biết rằng mỗi người sẽ “lọc” và “diễn đạt” câu chuyện, vấn đề theo những gì họ nhận thức hay lĩnh hội. Nguyên lý căn bản của ENNEAGRAM là:
Mỗi chúng ta có một trong chín “bộ lọc”, nơi thiết lập các phương hướng chung cho toàn bộ cuộc sống của mình, những quan tâm theo lề thói nằm rất sâu ẩn dưới những nhận thức có ý thức.
Bộ lọc này không phát triển tự phát, ngẫu nhiên, mà nhằm bảo vệ những khía cạnh đặc thù trong bản chất từng cá nhân (cái đặc biệt nhạy cảm từ lúc còn là trẻ sơ sinh).
Theo thời gian tính cách chúng ta phát triển để đáp ứng với thế giới bên ngoài mà ta đang sống, và dần dần tính cách chúng ta hình thành theo viễn cảnh mà ta đang tồn tại ; cách chúng ta “nhìn” và “diễn đạt” các sự kiện được tô màu theo cái tính cách ấy, tương tự và chúng cũng dẫn dắt sự lựa chọn và hành động của chúng ta.
Sự độc đáo của Thuyết V9G là cái tính cách “sai lầm” của chúng ta được phản ánh, như hình ảnh chiếc gương, chỉ cho chúng ta những bài học cần rút ra và cách thức để học chúng.
ENNEAGRAM và bạn
Điều quan trọng là bạn phải dành thời gian để khám phá ra loại ENNEAGRAM của mình mà không quá hấp tấp, vội vã. Chúng ta cần nhớ rằng ENNEAGRAM mô tả động lực và cấu trúc tính cách bên trong của mỗi người, chứ không đơn thuần là hành vi và đặc điểm thấy được bên ngoài. Thực tế là nhiều loại ENNEAGRAM biểu lộ những hành vi tương tự nhau, nhưng mỗi loại lại có lý do khác biệt từ căn nguyên cơ bản của nó.
Trí tuệ xúc cảm (emotional intelligence)
Trí tuệ xúc cảm được nối kết bởi hai yếu tố: trí tuệ nội suy, là khả năng hiểu, chấp nhận, và quản lý bản thân ; và trí tuệ giao tiếp, là khả năng làm việc hiệu quả với những cá nhân khác.
Một số người cho rằng Trí tuệ Xúc cảm (EQ) không thể dạy, chúng ta hoặc là sở hữu nó hoặc là không. Tuy nhiên, Hệ thống ENNEAGRAM có thể giúp chúng ta phát triển EQ, làm sáng tỏ các mô thức tư duy, cảm xúc, và hành vi, giúp chúng ta nhận thức tốt hơn, đáp ứng được những phản ứng tự thân, cũng như chỉ cho thấy được giá trị của những loại tính cách khác với chúng ta. Quan trọng nhất, ENNEAGRAM là một hệ thống phát triển, cho ra các hoạt động phù hợp với loại tính cách của từng người, từ đó cho phép chúng ta phát triển EQ và các kỹ năng cần thiết trong các lĩnh vực như thuật giao tiếp, phản hồi, xử lý mâu thuẫn, làm việc nhóm, ra quyết định, tư duy chiến lược, và thuật lãnh đạo.
Các trung tâm trí tuệ
Mỗi loại ENNEAGRAM có gốc rể từ một trong ba Trung tâm trí tuệ: Đầu, Tim, hoặc Bụng (Cơ thể). Ý tưởng cho ba trung tâm này có xuất xứ từ truyền thống triết học Phương Đông cổ xưa, tượng trưng cho cách chúng ta phản ứng theo bản năng nhất thời với các biến cố hay khả năng xử lý thông tin. Trong khi tất cả chúng ta đều có đầu, tim và bụng (thân mình), tính cách chúng ta được sắp xếp xoay quanh một trong ba thể thức này. Chúng ta hoạt động dựa chủ yếu vào Trung tâm chính, như cách để định hướng và hiểu được thế giới. Điều đó cũng bao gồm cách chúng ta thu nhận và diễn giải thông tin, cũng như thể hiện bản thân mình. Trung tâm thứ cấp Một ít được dùng hơn, nhưng một số người lại có khuynh hướng sử dụng cả hai trung tâm chính và Trung tâm cấp Một khá cân bằng. Còn trung tâm phụ cấp Hai là xa nhất và đôi khi nó hoàn toàn ngủ im trong tính cách của một số người.

Khái niệm của việc có ba Trung tâm Trí Tuệ nhấn mạnh rằng trí tuệ (hay sự thông minh) không chỉ là chức năng thuộc về trí óc, tinh thần; thực ra, mỗi Trung tâm mang trong mình một loại trí tuệ riêng, phục vụ cho những chức năng đặc thù. Mục đích chính khi làm việc cùng ENNEAGRAM, chúng ta cần: (1) đạt được sự tiếp cận nhiều hơn với cả ba Trung tâm trí tuệ, (2) có khả năng sử dụng hiệu quả tối đa ở từng Trung tâm, và (3) vận dụng ba Trung tâm vào một thể thống nhất trong mọi khía cạnh của cuộc sống từ nơi công sở, ở nhà hay khi ra quyết định v.v…
Mỗi trung tâm lại có ba loại ENNEAGRAM, và một trong số đó là loại tính cách nòng cốt cho trung tâm mình và hai loại kia là hai biến thể (cánh) của nó.
Trung tâm đầu
Ba loại tính cách được hình thành để phúc đáp cho cái sợ
Các cá nhân trong chín loại ENNEAGRAM sử dụng Trung tâm Đầu theo cách sau:
TRUNG TÂM ĐẦU
Thu thập thông tin – Phát ý tưởng – xử lý về tư duy
Phân tích dựa trên lý lẽ – Lên kế hoạch
Sử dụng có hiệu quả
Phân tích có mục tiêu
Có hiểu biết sâu sắc
Lên kế hoạch hiệu quả
Sử dụng không hiệu quả
Phân tích quá nhiều
Suy đoán chủ quan
Chuộng lên kế hoạch
Trung tâm Đầu bao gồm ENNEAGRAM số Năm, Sáu, và Bảy. Ba loại thuộc trạng thái tinh thần này cùng chia sẻ khuynh hướng dành thời gian xem xét phân tích kỹ lưỡng như một phản ứng đối với cảm xúc thông thường của họ: nỗi sợ hãi. Số Năm đáp ứng với cái sợ bằng cách thoái lui, rút vào trong bộ óc tinh thần để tự tìm hiểu. Số Sáu phản ứng bằng cách tiên đoán những viễn cảnh xấu nhất có thể xảy ra và bày ra các kế hoạch để ngăn ngừa những gì có thể bị sai. Số Sáu Chống Sợ có thể không nhận thức được cảm giác sợ hãi bởi họ hành động liều lĩnh trong các tình huống nguy kịch nhằm đảm bảo cho chính họ rằng họ không khiếp sợ. Số Bảy lại có cách tiếp cận khác, nhanh chóng chuyển nỗi sợ thành các khả năng làm bản thân hài lòng. Mặc dù, hầu hết số Bảy không biểu hiện nỗi sợ, thực tế là họ đang chạy khỏi cái sợ và sự đau buồn – một phản ứng né tránh. ENNEAGRAM Sáu là loại nòng cốt của Trung tâm Đầu, với loại Năm và Bảy là biến thể (cánh) của ENNEAGRAM Sáu.
Loại ENNEAGRAM Trung tâm Đầu thích các hoạt động phân tích rộng về mặt tư duy, quan tâm đến các sự kiện có giá trị, thông tin và ý tưởng; họ chia sẽ mối quan tâm chung về sự an toàn và lòng tin nhằm đáp ứng cảm xúc quen thuộc của Trung tâm Đầu – đó là cái sợ, tình trạng luôn mường tượng rằng cái gì đó tiêu cực có thể sẽ xảy ra.
Trung tâm tim
Ba loại tính cách được tạo thành để tạo ra một hình ảnh
Các cá nhân trong chín loại ENNEAGRAM sử dụng Trung tâm Tim theo cách sau:
TRUNG TÂM TIM
Trải nghiệm cảm xúc – Liên hệ đến cảm xúc – Nhạy cảm với mọi người
Sử dụng có hiệu quả
Sự thấu cảm tốt
Quan hệ đáng tin cậy
Lòng trắc ẩn cao
Sử dụng không hiệu quả
Hành động vị cảm xúc
Hay biến hóa (biết đóng kịch)
Quá nhạy cảm
Trung tâm Tim là Loại Hai, Ba, và Bốn. Những cá nhân với loại Trung tâm Tim (Cảm xúc) làm việc chăm chỉ để thể hiện một hình ảnh đặc thù, và họ sử dụng xúc cảm của họ để nắm bắt phản ứng đáp lại của người khác. Số Hai cố gắng tạo một hình ảnh đáng yêu, và trông cậy vào người khác để khẳng định giá trị thật của mình. Số Ba làm việc để thể hiện một hình ảnh thành công, và họ mưu cầu sự tôn trọng và ngưỡng mộ của người khác vì những gì họ đã đạt được. Được xem là tiêu điểm thầm kính nhất trong Ba loại Tính cách Tim, số Bốn lại cố gắng tạo ra hình ảnh của sự khác biệt và duy nhất, và họ sử dụng độ nhạy cảm xúc của họ để bảo vệ khỏi bị loại bỏ hoặc từ chối. ENNEAGRAM Ba là loại nòng cốt của Trung tâm Tim, còn Hai và Bốn là biến thể của ENNEAGRAM Ba.
Loại ENNEAGRAM Trung tâm Tim muốn mọi người xung quanh đáp ứng với họ một cách đặc biệt, và họ xây dựng một hình ảnh cá nhân nhằm đạt được theo sự đáp ứng đó. Với sự tập trung chủ yếu vào việc tạo ra hình ảnh và quan tâm nhiều về cách người khác nhìn nhận mình, ba loại ENNEAGRAM Trung tâm Tim thường có cảm giác không được đánh giá đúng theo giá trị thật của mình, điều này dẫn đến việc gia tăng cảm xúc quen thuộc của Trung tâm Tim này – đó là cái sầu, cái thất vọng.
Trung tâm bụng (cơ thể)
Ba loại tính cách được hình thành để phúc đáp cho cái giận
Các cá nhân trong chín loại ENNEAGRAM sử dụng Trung tâm Bụng theo cách sau:
TRUNG TÂM BỤNG
Di chuyển – xúc cảm cơ thể – Hành động hoặc bất động – Kiểm soát
Sử dụng có hiệu quả
Hành động hiệu quả
Kiên định
Khí phách, biết chịu đựng
Sử dụng không hiệu quả
Hành động quá mức
Quá thụ động
Phản ứng quá nhanh, bốc đồng
Trung tâm Bụng (Cơ Thể) còn gọi là trung tâm Bản Năng gồm số Tám, Chín và Một. Giận dữ là nền tảng cảm xúc của ba loại này. Tám có khuynh hướng biểu lộ cái giận của họ thường xuyên và trực tiếp. Sự giận dữ của họ, bắt đầu từ trong bụng và di chuyển cực nhanh lên trên và bộc phát ra ngoài, có thể bị kích thích bởi sự yếu kém, sự bất công đối với một người nào đó, sự kiểm soát tình huống kém hiệu quả, hoặc ai đó nói dối. Số Chín có xu hướng tránh giận dữ và xung đột trực tiếp, thích cảm giác giao hòa và thoải mái với mọi người. Sự giận của họ, từng chôn sâu thẳm vẫn thường được gọi là “cái giận ngủ quên”, sẽ lộ diện khi họ cảm thấy hoặc bị làm ngơ hoặc bị buộc phải làm gì đó, trong trường hợp này sự tức giận của họ biến thành hành vi công kích thụ động. Còn cái giận của Một lại biểu lộ dưới sự bực dọc thường xuyên, được theo sau bởi cơn oán giận. Một cũng có xu hướng tự chỉ trích, với cái giận được chuyển vào bên trong. ENNEAGRAM Chín là loại nòng cốt của Trung tâm Bụng, còn Tám và Một là biến thể của loại Chín.
Ba loại Trung tâm Bụng tin tưởng chính yếu vào trực giác bản năng của họ và có nhiều cách tương tác với sự kiểm soát, được gia tăng từ xúc cảm quen thuộc của loại ENNEAGRAM Trung tâm Bụng – đó là cái Giận.